Đầu tư công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam: Cần thiết và cấp bách

Thứ bảy - 20/11/2021 08:08

Chính phủ xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ cao tốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. 

Cao tốc
Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan đã được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận cho đưa vào khai thác tuyến chính. Dự kiến, cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 12/2021 (Ảnh: Zing)

Gần 147.000 tỷ đồng đầu tư 12 dự án cao tốc 

Theo Tờ trình, để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

12 dự án thành phần được đề xuất đầu tư bằng hình thức đầu tư công, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị (95.837 tỷ đồng), chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (19.097 tỷ đồng), chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác (12.015 tỷ đồng, chi phí dự phòng (20.041 tỷ đồng).

Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỷ đồng (khoảng 5% tổng mức đầu tư, chi phí giữ lại bảo hành công trình) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 29 ngày 28/7/2021, dự kiến bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 92.471 tỷ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về lộ trình triển khai, dự kiến công tác chuẩn bị dự án thực hiện trong năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Cao tốc đà nẵng quảng ngãi
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Dự án hạ tầng đặc biệt quan trọng của đất nước 

Nói rõ về việc chuyển toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, trong tổng số 11 dự án thành phần có 8 dự án triển khai theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công vừa qua đã phát sinh một số yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành Dự án. Trong đó, chủ yếu là khó khăn về huy động vốn tín dụng. Thêm vào đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tăng tỉ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro… nên hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn càng hạn hẹp.

Quá trình lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, nhóm các nhà đầu tư thực sự quan tâm đến các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư đã huy động vốn tín dụng để thực hiện các dự án BOT giai đoạn trước đây, nên khả năng tiếp tục huy động tín dụng để đầu tư các dự án mới sẽ khó khăn hơn.

"Chính vì vậy, các dự án PPP đường bộ cao tốc mặc dù bảo đảm hiệu quả tài chính theo quy định nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ triển khai thành công do phụ thuộc vào thị trường, khả năng thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng huy động tài chính từ các tổ chức tín dụng. Trường hợp triển khai không thành công, phải chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ chậm tiến độ, không thể đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội", Tờ trình nêu rõ.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biễn rất phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, để giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt nhằm khắc phục các ảnh hưởng của đại dịch, cũng như tạo đà để phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế đất nước giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Chính phủ xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ cao tốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động. Đồng thời, Bộ Chính trị đã kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành Dự án. 

"Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước, đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng", nội dung trong Tờ trình nêu. 

Cao tốc
Trên công trường cao tốc Mai Sơn - QL45 (Ảnh: VGP)

Đầu tư công là hợp lý 

Nói thêm về việc lựa chọn hình thức đầu tư công với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho rằng, nếu triển khai các dự án thành phần theo hình thức PPP mức độ thành công sẽ không cao, có thể phát sinh các tình huống không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai.

Ông Lâm cho biết, trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang đầu tư công, tiến độ kéo dài thêm khoảng 9 tháng. Ngay cả trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thành công nhưng không huy động được vốn vay, tiến độ sẽ kéo dài thêm khoảng 13 tháng.

Dẫn chứng thực tế từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, theo Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, trong 11 dự án thành phần có 8 dự án triển khai theo hình thức PPP và 3 dự án đầu tư công.Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư đã phát sinh khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án, trong đó chủ yếu là huy động vốn tín dụng.

Đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, để thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm khôi phục nền kinh tế, Quốc hội đã quyết định chuyển đổi 3 dự án thành phần (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ hình thức PPP sang đầu tư công. 5 dự án PPP còn lại đã tổ chức đấu thầu nhưng chỉ có 3 dự án lựa chọn được nhà đầu tư (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo). Hai dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư đã phải chuyển đổi sang đầu tư công.

Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, việc chuyển đổi các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sang đầu tư công là hoàn toàn hợp lý. Bởi, theo ông Khôi, việc triển khai đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP đang gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng thương mại siết chặt tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn khiến nhà đầu tư khó huy động vốn tín dụng để tham gia đầu tư. Lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng ở mức rất cao, thậm chí "các nhà đầu tư đã phải huy động 20-30% vốn chủ sở hữu nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng".

Về nguồn vốn, ông Khôi cũng đề xuất Nhà nước có thể phát hành trái phiếu để đầu tư, bởi lãi suất trái phiếu thấp hơn rất nhiều so với lãi suất nhà đầu tư đi vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, từ đó sẽ tiết giảm rất lớn chi phí đầu tư cho các dự án. Khi dự án hoàn thành, Nhà nước sẽ tiến hành thu phí hoặc bán quyền thu phí để thu hồi vốn đã đầu tư./.
 

Theo Phan Trang/Báo Chính phủ

 

Bài viết mới nhất