Thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển Khu kinh tế Vân Phong

Thứ bảy - 12/03/2022 05:28

Thuc day hop tac cong tu trong phat trien Khu kinh te Van Phong hinh anh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính xem sơ đồ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 12/3, trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Khu kinh tế Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2006, với tổng diện tích khoảng 150.000ha (70.000ha mặt đất và 80.000ha mặt nước).

Đến năm 2014, Thủ tướng Chính có quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung, khu kinh tế này mang tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. Đồng thời, là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận.

[Khu Kinh tế Vân Phong chuẩn bị bứt phá trong giai đoạn mới]

Tính đến năm 2021, Khu kinh tế Vân Phong thu hút hơn 150 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD; trong đó có trên 120 dự án đầu tư trong nước và 30 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đã thực hiện đạt gần 2,4 tỷ USD.

Trong số gần 100 dự án đã đi vào hoạt động, ngoài một số dự án đầu tư lớn và có hiệu quả như nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam (vốn đầu tư 350 triệu USD); kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD)..., phần lớn là những dự án có quy mô nhỏ.

Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã thăm thực địa, xem quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế Vân Phong để thực hiện công tác kêu gọi đầu tư; tình hình đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị, du lịch, cảng biển...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Vân Phong là khu kinh tế có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất lớn trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, du lịch. Tuy nhiên, nếu chỉ để đầu tư công thì rất khó thúc đẩy phát triển nhanh.

Do đó, để thúc đẩy phát triển khu kinh tế này, thì tỉnh Khánh Hòa, các bộ, ngành tập trung nghiên cứu có cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng.

Vì có hạ tầng mới thu hút dự án, có dự án mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có đến ở mới phát triển đô thị, du lịch. “Nhà nước phải làm thật tốt công tác xây dựng quy hoạch và quản trị vĩ mô,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Thuc day hop tac cong tu trong phat trien Khu kinh te Van Phong hinh anh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát vịnh Vân Phong. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản trị tư; đầu tư tư, quản trị công; đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp” để từng bước thực hiện quy hoạch phát triển Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Thăm Nhà máy đóng tàu Huyndai Việt Nam tại Khu kinh tế Vân Phong, Thủ tướng vui mừng khi biết Nhà máy hoạt động rất hiệu quả với doanh thu đạt trên 500 triệu USD/năm, lãi hơn 10%, đóng góp cho ngân sách địa phương trên 5 triệu USD/năm và tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 công nhân với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, Huyndai có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Vân Phong.

Thủ tướng đề nghị Huyndai tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn mới; tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm và nâng cao chất lượng chế biến, chế tạo, gắn với bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe công nhân; đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách địa phương; đoàn kết, phối hợp với địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.

Thăm công trường xây dựng Nhà máy điện BOT Vân Phong 1, có công suất 2x660 MW; tổng vốn đầu tư 2,58 tỷ USD, dự kiến vận hành vào năm 2023, Thủ tướng đề nghị các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ sức khỏe cho công nhân.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi năng lượng theo hướng phát triển năng lượng xanh nên Nhà máy điện Vân Phong 1 là thế hệ nhà máy nhiệt điện cuối cùng tại Việt Nam; đề nghị trong giai đoạn 2, chủ đầu tư nghiên cứu đầu tư năng lượng tái tạo gồm điện Mặt Trời và điện gió ngoài khơi tại Vân Phong nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thăm địa điểm dự kiến là điểm đầu của tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có chiều dài dự kiến khoảng 115-130km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 21.900 tỷ đồng, Thủ tướng chỉ đạo việc lập dự án, hướng tuyến cao tốc phải đảm bảo ngắn nhất, thẳng nhất, không đi qua khu dân cư và không bám các tuyến đường cũ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với hai địa phương thúc đẩy hoàn thiện dự án để trình Quốc hội trong kỳ họp tới; các bộ, ngành, địa phương cũng sắp xếp, cố gắng bố trí nguồn vốn cho dự án, vì tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần kết nối Đông-Tây, Bắc-Nam; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển toàn bộ khu vực Tây Nguyên./.

Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Bài viết mới nhất