9 sai lầm thiết kế nội thất khiến nhà bạn chẳng thể tiện nghi, ấm cúng

Thứ năm - 17/06/2021 22:45

Không chú ý kích thước khi mua đồ gia dụng hay quá "tham" trang trí làm rối không gian là những sai lầm thiết kế nội thất khá phổ biến, gây ra nhiều bất tiện và phá hỏng sự ấm cúng, thoải mái trong ngôi nhà của bạn.

Ở giai đoạn lên kế hoạch thiết kế, bố trí nội thất cho ngôi nhà trước khi chuyển vào ở hoặc tiến hành cải tạo, đa số gia chủ thường nghĩ về sự ấm cúng, tiện nghi và thoải mái mà ngôi nhà sẽ mang lại trong tương lai. Nhưng trên thực tế, khi tất cả các ý tưởng thiết kế nội thất trở thành hiện thực, nhiều người có thể nhận thấy rằng một số ý tưởng, cách bố trí không hiệu quả như mong đợi. Có những lỗi thiết kế nội thất rất phổ biến, nhiều người mắc phải, khiến không gian sống không thể tiện nghi, ấm cúng. Cùng "điểm danh" 9 sai lầm thiết kế nội thất, bày trí đồ đạc thường gặp nhất dưới đây:

1. Không đo kích thước khi mua đồ gia dụng
1
Sai lầm thiết kế nội thất: Không đo kích thước khi mua đồ gia dụng


Khá ít người có thói quen lưu ý đến việc kích thước của các món đồ gia dụng như xoong, chảo, lò vi sóng, máy xay sinh tố, máy ép,… có phù hợp với không gian bếp của mình hay không. Thông thường, đa số mọi người chọn đồ gia dụng chỉ cần ưng tính năng, kiểu dáng, giá cả hợp túi tiền là quyết định mua, đến khi mang về nhà mới phát hiện món đồ không vừa với tủ bếp hay khu vực cất trữ chuyên dụng. Kết quả là món đồ sẽ được đặt ngẫu nhiên đâu đó quanh bếp, vừa thiếu ngăn nắp lại cản trở quá trình nấu nướng, dọn dẹp. Giải pháp khắc phục rất đơn giản: trước khi “chốt đơn” cho bất kỳ món đồ gia dụng nào, hãy chú ý kích thước, cần thiết thì phải đo đường, tính toán chi tiết để đảm bảo rằng món đồ vừa vặn với cách bố trí nhà bếp của bạn.

2. Cả phòng chỉ có duy nhất một nguồn sáng
2
Sai lầm thiết kế nội thất: Cả phòng chỉ có một nguồn sáng


Bố trí một nguồn sáng duy nhất có thể là một phương án tiết kiệm chi phí, nhưng như vậy không thực sự đủ sáng cho cả căn phòng, thậm chí còn khiến phòng trông chật chội hơn diện tích thực tế vì tối tăm, thiếu sáng. Theo các chuyên gia thiết kế nội thất, giải pháp chiếu sáng tốt nhất là đảm bảo có nhiều nguồn sáng từ các hướng và cao độ khác nhau, ví dụ như sử dụng kết hợp đèn trần, đèn bàn và đèn sàn. Nên chọn loại đèn có ánh sáng nhẹ nhàng, có thể điều chỉnh cường độ và hướng chiếu sáng linh hoạt theo nhu cầu sử dụng. 

3. Mua toàn bộ nội thất từ một cửa hàng
3
Không nên mua toàn bộ nội thất ở cùng 1 nơi


Giống như vào cửa hàng thời trang và mua toàn bộ trang phục ma-nơ-canh đang mặc, việc mua toàn bộ nội thất trong nhà từ một cửa hàng dù là một cách làm khá an toàn, tạo cảm giác đồng bộ nhưng thực tế không được đánh giá cao. Các chuyên gia thiết kế khuyên nên bổ sung dần đồ đạc và trang trí cho ngôi nhà. Một căn phòng, ngôi nhà hay không gian sống nói chung sẽ phát triển theo thời gian, với những món đồ có ý nghĩa được thêm vào một cách từ từ. Cách làm này cũng sẽ mang lại vẻ ấm cúng, cá tính riêng biệt cho ngôi nhà của bạn thay vì sự rập khuôn, “công nghiệp”.

4. Sử dụng nhiều đồ nội thất, trang trí nhỏ làm rối không gian
4
Sai lầm thiết kế nội thất: sử dụng nhiều đồ nội thất, trang trí nhỏ làm rối không gian


Nhiều người có thói quen mua nhiều đồ nội thất nhỏ hoặc phụ kiện trang trí rẻ tiền để tránh đầu tư vào những món đồ lớn, tốn kém như ghế sofa, vách đầu giường hay một tác phẩm nghệ thuật giá trị. Thế nhưng tổng chí phí cho những thứ nhỏ nhặt thực tế không hề rẻ, chúng còn khiến không gian trở nên lộn xộn, rối mắt hơn là ấm cúng. Vì vậy, bạn nên chọn mua những món đồ đa năng, phục vụ nhiều mục đích sử dụng. Ví dụ, một chiếc bàn làm việc nhỏ trong phòng ngủ cũng có thể được sử dụng như một chiếc tủ đầu giường. Một chiếc ghế xoay trong phòng khách có thể dùng khi xem tivi hoặc di chuyển về phía cửa sổ để ngắm cảnh đẹp bên ngoài. Với tranh ảnh trang trí, nên đề cao chất lượng thay vì số lượng. Một số ít tác phẩm đặc sắc vẫn có giá trị tô điểm cho ngôi nhà của bạn trong suốt nhiều năm.

5. Kích thước tủ bếp không hợp lý
5
Kích thước tủ bếp không hợp lý gây nhiều bất tiện, tai nạn khi sử dụng


Đây có lẽ là một trong những sai lầm mang lại nhiều đau đớn nhất, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Kích thước tủ bếp, cụ thể là chiều sâu và chiều rộng không được đo đạc, tính toán một cachs chính xác, hợp lý sẽ gây ra nhiều bất tiện, thậm chí tai nạn cho người sử dụng. Khi đang mải nấu nướng, dọn dẹp, bạn rất dễ bị va chạm với tủ bếp, cánh cửa phía trên đầu. Căn bếp thiếu an toàn như vậy chắc chắn sẽ không thể là một phần của tổ ấm thoải mái, tiện nghi mà bạn mong muốn.


6. Chiều cao bàn bếp không tương thích với người sử dụng
6
Chiều cao bàn bếp không tương thích với người sử dụng


Chiều cao bàn bếp quá cao hoặc quá thấp, không tương thích với người sử dụng sẽ dẫn đến mỏi vai, đau lưng, đau cổ khi sơ chế, nấu nướng. Vì vậy, hãy chú ý tính toán chiều cao phù hợp trước khi lắp mặt bàn bếp. Nếu bạn đã gặp sự cố này, ngoài việc đầu tư sửa lại cho phù hợp, bạn có thể dùng 2 giải pháp “chữa cháy” tạm thời như đứng trên một chiếc ghế/ bục chắc chắn nếu bàn bếp quá cao hoặc chọn thớt loại dày nếu mặt bàn bếp quá thấp.

7. Sắp xếp thiết bị bếp kém khoa học
7
Sắp xếp thiết bị bếp kém khoa học


Các thiết bị nhà bếp được sắp xếp kém khoa học có thể dẫn đến thói quen nấu nướng lộn xộn, quá trình nấu nướng dễ tạo ra một “bãi chiến trường” bừa bộn, mất nhiều thời gian để dọn dẹp. Để tránh những bất tiện, khó chịu này, các chuyên gia nội thất khuyên bạn nên lập sơ đồ lắp đặt, sắp xếp các thiết bị nhà bếp trước, bố trí chúng ở nơi phù hợp với thói quen nấu nướng của bạn. Đừng quên tận dụng những nơi có thể treo đồ để giải phóng mặt phẳng của tủ, bàn bếp,…

8. Chọn backsplash có hoa văn
8
Không nên chọn backsplash có hoa văn


Backsplash là phần phía sau bồn rửa hoặc bếp nấu. Bề mặt này dùng để bảo vệ tường, che chắn để dầu mỡ không bắn dính lên tườn. Chọn backsplash phù hợp cũng là một yếu tố góp phần tạo ra một căn bếp đẹp và ấm cúng. Các nhà thiết kế nội thất nói rằng backsplash có hoa văn trông sẽ lỗi thời, kém trẻ trung hơn nhiều so với backsplash thiết kế đơn giản. Hơn nữa, để tránh làm căn bếp bị quá tải về mặt thị giác, bạn nên chọn gạch làm backsplash có tông màu đồng nhất, phù hợp với màu sắc của mặt bàn bếp. 

9. Không tối ưu hóa chiều dọc không gian
9
Tận dụng chiều dọc không gian để lưu trữ đồ, giúp nhà gọn gàng hơn


Trong một căn phòng nhỏ, mỗi không gian đều có giá trị và những bức tường cũng cung cấp khoảng không gian quý giá để bạn lưu trữ, sắp xếp đồ đạc. Khong tận dụng chiều dọc không gian là một sự lãng phí rất lớn. Ví dụ, với căn bếp diện tích khiêm tốn, đóng tủ bếp lên sát trần sẽ giúp bạn tối đa hóa khả năng lưu trữ trong không gian hẹp, lại đỡ tốn thời gian dọn dẹp, vệ sinh phần nóc tủ bếp. Nếu không thích ý tưởng về những dãy tủ kín mít, bạn có thể kết hợp với kệ hoặc giá dạng mở, tạo vẻ thông thoáng, nhẹ nhàng hơn.